Cập nhật ngày: 12/02/2025 lúc 11:32:17 SA
Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển đổi số về đo lường phục vụ mục tiêu chuyển đổi số
Việc cấp chứng chỉ hiệu chuẩn điện tử, chứng chỉ hiệu chuẩn số (DCC) và sử dụng mã QR để gắn kèm hoặc thay thế tem kiểm định, hiệu chuẩn để cấp cho phương tiện đo, chuẩn đo lường sau khi thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được xem là giải pháp hữu hiệu trong hoạt động chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong đo lường nói riêng, đóng góp mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số các hoạt động kinh tế - xã hội.

Sự xuất hiện của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng số hóa đang thực sự xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, trong đó trọng tâm của Cuộc cách mạng này chính là chuyển đổi số, tích hợp của số hóa, kết nối hay siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Cùng với đó, thế giới đã và đang bước vào kỷ nguyên số đồng nghĩa với việc chúng ta đã, đang và sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi to lớn. Đó là sự chuyển đổi từ thế giới thực sang thế giới ảo, chuyển toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội lên môi trường số.

Trong vài năm trở lại đây, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong đo lường nói riêng đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực chú trọng đẩy mạnh, phát triển. Mục đích của chuyển đổi số trong đo lường là phát triển và phổ biến các yêu cầu cơ bản của hoạt động đo lường liên quan đến số hóa và chuyển đổi số trong đo lường khoa học, đo lường công nghiệp và đo lường pháp định.

Trong bối cảnh hoạt động dựa trên giấy tờ truyền thống đang dần không bắt kịp với nhịp độ phát triển xã hội, bằng việc tận dụng một cách tối đa ưu thế của công nghệ máy tính và Internet, việc chuyển đổi số về đo lường đóng góp mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số các hoạt động kinh tế - xã hội.

Nắm bắt lợi ích và xu thế này, nhiều quốc gia đã và đang đưa ra giải pháp và từng bước thực hiện các hoạt động chuyển đổi số về đo lường. Một trong số đó là việc cấp chứng chỉ hiệu chuẩn điện tử, chứng chỉ hiệu chuẩn số (DCC) và sử dụng mã QR để gắn kèm hoặc thay thế tem kiểm định, hiệu chuẩn để cấp cho phương tiện đo, chuẩn đo lường sau khi thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.

Không nằm ngoài xu hướng đó, với mong muốn nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, Việt Nam đã và đang không ngừng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số ở tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đo lường. Hoạt động chuyển đổi số về đo lường đang ngày càng được quan tâm, coi trọng.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (nay là Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) nói chung, Vụ Đo lường (nay là Ban Đo lường) nói riêng đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu của quá trình chuyển đổi số như: thay đổi hoàn toàn từ phương thức xử lý thủ tục hành chính theo giấy tờ truyền thống sang phương thức điện tử, 100% thủ tục hành chính về đo lường có thể được gửi, tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hoàn toàn trên môi trường điện tử; đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về đo lường sẵn sàng để kết nối, đồng bộ, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin trong và ngoài ngành TCĐLCL; bản đồ số về đo lường bước đầu được hình thành và đang ngày càng hoàn thiện.

Tuy nhiên, đối với việc cấp chứng chỉ số, chứng chỉ điện tử hay việc sử dụng mã QR để mã hóa, truyền tải thông tin, kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường chưa được hướng dẫn, quy định ở bất kỳ văn bản nào của cơ quan quản lý, cũng như chưa được chấp nhận, thừa nhận của nhiều cơ quan quản lý và người sử dụng. Mặc dù thực tế đã có một số tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường (VD: Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 3, Viện Kiểm định Công nghệ và Môi trường, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật & Đo lường Đồng Tâm, các đơn vị kiểm định thuộc ngành điện,…) đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng, ứng dụng phần mềm để cấp và quản lý giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm bằng hình thức điện tử hoặc tiến hành gắn mã QR trên giấy chứng nhận, tem kiểm định, hiệu chuẩn cấp cho khách hàng nhằm thuận lợi cho việc kiểm soát, thống kê và truy xuất nguồn gốc, nhưng các hoạt động nêu trên mới mang tính tự phát, chưa đồng bộ, chưa thống nhất.

Những thông tin được mã hoá, truyền tải thông qua mã QR hoặc còn sơ sài, chưa có nhiều ý nghĩa hoặc lại bao gồm toàn bộ kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của khách hàng. Điều này có thể dẫn đến việc các thông tin, giấy chứng nhận có thể bị giả mạo một cách dễ dàng hoặc vi phạm liên quan đến bảo mật, an toàn thông tin của khách hàng.

Tem hiệu chuẩn gắn mã QR của một số tổ chức

Với tình hình đó, được biết, Ban Đo lường đã chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu cơ sở lý luận và và thực tiễn để xây dựng hướng dẫn thí điểm áp dụng cấp giấy chứng nhận điện tử và sử dụng tem điện tử phục vụ hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường tại các đơn vị kỹ thuật trực thuộc Tổng cục (nay là Uỷ ban) với sự tham gia của Viện Đo lường Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, 2, 3 và đã tổ chức áp dụng thí điểm dự thảo Quy chế này.

Sau khoảng 3 tháng áp dụng thí điểm, đến nay, Viện Đo lường Việt Nam đã thực hiện cấp hơn 30 giấy chứng nhận hiệu chuẩn điện tử và tem có gắn mã QR trong lĩnh vực khối lượng đáp ứng yêu cầu của dự thảo Quy chế. Các Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, 2, 3 đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ để thực hiện các nội dung mà dự thảo Quy chế đã đặt ra.

Giấy chứng nhận hiệu chuẩn của VMI

Tem hiệu chuẩn gắn mã QR của VMI

Thông qua đó, các đơn vị cũng nhận thấy việc ban hành Quy chế hướng dẫn là vô cùng cần thiết đối với hoạt động quản lý về đo lường nói chung và việc thực hiện quy định của văn bản quy phạm pháp luật về đo lường tại các đơn vị trực thuộc Uỷ ban nói riêng. Đồng thời, các đơn vị cũng rà soát, đánh giá và chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng cấp giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn điện tử và gắn mã QR trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường một cách rộng rãi cho các tổ chức, cá nhân trong thời gian tới. Quy chế hướng dẫn này cũng sẽ là cơ sở, căn cứ thực tế để Ủy ban đưa ra những văn bản hướng dẫn, biện pháp quản lý về đo lường phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý trong tương lai, đáp ứng mục tiêu về chuyển đổi số của Chính phủ.

Điều này không chỉ góp phần nâng cao ý thức của các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường trong việc chấp hành quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về đo lường, nâng cao chất lượng hoạt động đo lường mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc lựa chọn, sử dụng tổ chức thực hiện dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường phù hợp, góp phần nâng cao lòng tin của xã hội vào hoạt động đo lường, đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý về đo lường tại Trung ương và địa phương trong việc truy xuất, đối chiếu, kiểm chứng thông tin và thanh tra, kiểm tra tại các tổ chức.

 

Nhật Trinh (Tổng hợp)
Bích Hạnh - Ban Đo lường
 In trang]